Integrity is doing the right thing even when no one is watching

“Chính trực là khi bạn quyết định làm điều đúng, ngay cả khi không ai biết”

“Integrity is doing the right thing even when no one is watching”

Hôm nay, sau khi phát hiện ra ứng viên cho vị trí mà team mình sắp tuyển đã nói dối về mức lương hiện tại và thậm chí còn làm giả bảng lương cùng hợp đồng lao động để khớp với thông tin khai báo, mình thấy cần phải viết về sự chính trực (integrity) để tự nhắc bản thân rằng không phải ai, dù còn trẻ tuổi hay trông thành thật đến thế nào đi nữa, cũng hiểu rõ và giữ được sự trung thực với chính mình.

Chính trực không phải là bạn thành thật với người khác, mà là trung thực với chính bản thân mình. Vì kể cả khi không ai trên thế gian này phát hiện ra được bạn nói dối, thì vẫn luôn có 1 người biết được sự thậtlà chính bạn!

Bài học đầu tiên của mình về sự chính trực là khi mình học cấp 1. Hàng ngày mỗi khi đi học về, mình sẽ ‘báo cáo’ với bố mẹ là hôm nay mình được bao nhiêu điểm cho các môn học trong ngày (hồi đó sao mà thầy cô chấm bài nhiều thế không biết, hầu như ngày nào cũng có vài con điểm cho các môn). Một ngày nọ, mình ‘bị’ 7 điểm môn tập làm văn, đối với mình đó như một ‘thảm họa’ vì trong mấy năm học chưa bao giờ mình bị dưới điểm 8, và thậm chí điểm 9 đã là một ‘sự đau khổ’ (mình sẽ viết về ‘áp lực vô hình’ thời học sinh này trong một bài khác). Thế là, để không bị bố mẹ la, mình quyết định không khai báo điểm 7 này và đem giấu bài tập làm văn đó … trong hộc bàn (hồi nhỏ đúng ngây thơ luôn, kiếm chỗ giấu khó phát hiện dễ sợ).

Những tưởng mình sẽ vui vẻ vì không bị bố mẹ la & quên đi chuyện này ngay. Nhưng không! Nhiều ngày sau đó mình sống trong nơm nớp lo sợ rằng bố mẹ sẽ phát hiện ra bài tập làm văn đó của mình. Ngày nào đi học về, mình cũng lục hộc bàn xem thử bài kiểm tra điểm 7 còn ở đó không. Chưa kể, mình luôn suy nghĩ dằn vặt rằng mình đã làm một điều sai trái, rằng mình đã không trung thực (mặc dù mình không hề nói dối, mình chỉ là giả bộ như chưa hề có điểm 7 đó tồn tại trên đời). Sau đó thì bố mình cũng phát hiện ra (và còn viết cả một bài thơ tặng mình về ‘sự kiện chấn động’ này để nhắc nhở, hihi). Con-bé-chưa-tới-10-tuổi lúc đó cứ tưởng thôi vậy là đi đời rồi, sau này sẽ xấu hổ cả đời mất, vì hành động sai trái đã bị phanh phui (hồi nhỏ mình ngoan lắm, rất ít khi bị la, nên vụ việc này với mình rất nghiêm trọng). Nhưng hay làm sao, chỉ sau một ngày buồn bã vì bị mắng, mình thấy đầu óc nhẹ nhõm hẳn vì không cần phải che giấu bí mật nào trong ngăn bàn nữa. Thế là từ đó, một cách tự nhiên, mình tự hiểu rằng sẽ luôn trung thực để không bao giờ phải nơm nớp che giấu điều gì trong ngăn bàn kí ức của bản thân nữa.

Thế rồi năm 23 tuổi, cuộc đời lại nhắc nhở mình về sự chính trực một cách thực tế và rõ ràng hơn, khi mình làm ở Mondelez. Một trong những giá trị cốt lõi (‘core values’) mà sếp mình nhắc đi nhắc lại lúc đó với team là phải luôn trung thực, không nhận tiền hối lộ từ đối tác, cũng như không đưa tiền hối lộ để mình được ưu tiên. Nghe thì rất dễ, nhất là với một đứa vốn đã luôn sống trung thực như mình, nhưng làm thì khó gấp bội khi những cám dỗ bắt đầu xuất hiện.

Năm đó mình là người làm việc chính với các đối tác để mua nguyên vật liệu đóng hàng Tết cho công ty. Có những hợp đồng lên đến cả tỷ đồng. Và đối tác lúc nào cũng hỏi một câu sau khi chốt xong giá bán “Em muốn anh để giá nào trên hợp đồng?”. Lúc đó mình còn ngây thơ với đời, nên rất ngạc nhiên hỏi lại “Ủa, mình chốt giá nào thì để giá đó thôi, chứ sao anh lại hỏi thế?”. Và rồi mình bắt đầu biết đến cái gọi là “hoa hồng” hay “chiết khấu” của các nhà cung cấp dành cho người thu mua, với những đề nghị rất thẳng thắn “cho anh số tài khoản cá nhân để anh chuyển khoản cho nhé, anh sẽ giữ kín việc này”, mà số tiền tính theo % hợp đồng lúc ấy có khi bằng lương cả năm của mình. Nhưng nhớ lời sếp dặn (hihi ngoan ghê), mình kiên quyết không nhận (chắc trong sự ngỡ ngàng của các anh chị sales bên đối tác, là sao con bé này ‘lạ’ (hay thẳng hơn là ‘ngu’) thế nhở, haha). Quyết định này với mình là rất dễ dàng và không có một chút do dự, có lẽ một phần do ‘tiền chuyển khoản’ dù sao cũng là một thứ vô hình không cầm nắm được và không cảm nhận rõ.

Cho đến một ngày nọ, khi mình cầm trên tay cọc ‘tiền mặt’ đủ lớn để thấy tay run run khi đếm và tim đập thình thịch như vừa mới chạy thục mạng để trốn tránh cảnh sát lương tâm. Lần đầu tiên trong đời, mình đã thực sự đắn đo khi đứng trước ngã rẽ của sự chính trực. Chiều hôm ấy, chị chủ công ty đó mời mình đi cà phê cuối tuần cùng gia đình chị ấy, để cảm ơn mình đã thông cảm & giúp đỡ công ty chị nhiều lần. Trong 1 lúc mình rời bàn, chị đã nhanh tay để phong bì tiền vào túi xách của mình, mà mãi đến khi về tới nhà mở túi ra mình mới thấy. Mình liền nhắn tin hỏi, thì chị bảo “Đây là quà cảm ơn thật lòng chị muốn gửi, mong em nhận”. Cám dỗ quá đi chứ! Vì nhận quà cảm ơn thì có gì là sai. Mình đúng là có giúp đỡ chị ấy nhiều lần không vụ lợi và không hề có sự thiên vị nào trong lúc chọn & làm việc với nhà cung cấp (NCC), nên chị ấy hết lần này đến lần khác năn nỉ mình nhận quà cảm ơn, nhưng mình không chịu nên đã nghĩ ra cách này. Nếu mình nhận, công ty không bị thiệt gì cả, và quan trọng là sẽ chẳng ai biết về chuyện này vì đó là tiền mặt không thể truy vết và vì cuộc gặp là ở quán cafe ngày cuối tuần với cả gia đình chị ấy nên không có gì đáng nghi hết. Mình còn nghe nói chuyện này là bình thường trong ngành thu mua, nên nhận quà hay tiền hoa hồng của NCC không có gì là sai cả (thật ra mình không đồng tình với quan điểm này, đến giờ vẫn vậy).

Trong khoảnh khắc đó, mình chợt nhớ lại điểm 7 trong ngăn bàn ngày xưa. Mình cũng nghĩ tới những vụ tham nhũng hối lộ cả tỷ đồng thời gian đó, mà có khi lúc đầu một ‘người tốt’ nào đó cũng chỉ là tặc lưỡi cho qua với một số tiền nhỏ, bởi ‘ai cũng làm thế, mình không làm là mình dại’ nhưng rồi phóng lao phải theo lao, hoặc cũng có thể là ngựa quen đường cũ, rồi có lúc phải lấy lỗi lầm này che giấu cho sai sót khác, dần dà ‘người xấu’ đi xa tới mức không thể quay đầu. Cái gì đã làm được một lần, thì sẽ có lần thứ hai; vì chỉ có lần đầu là phải đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ nhất. Sau một buổi tối đau não suy nghĩ không thông, mình gọi cho bố để hỏi ý kiến, thì bố nói rằng:

Tiền sau này có thể kiếm được, nhưng sự chính trực và niềm tin một khi đã mất thì không bao giờ có thể lấy lại“.

Sáng hôm sau mình hẹn gặp chị để trả lại cọc tiền. Đơn giản vì mình muốn đầu óc luôn nhẹ nhõm không phải che giấu điều gì, cũng không muốn có người nắm được điểm yếu để sau này thao túng làm mình chùn tay nhắm mắt cho qua vì sợ lộ chuyện, và vì mình quyết tâm giữ vững giá trị bản thân mà mình đã xây dựng..

Cho đến hôm nay, mình vẫn thầm cảm ơn điểm 7 ngày xưa và cọc tiền mặt năm ấy đã giúp mình vững vàng lựa chọn đường đi mỗi khi gặp cám dỗ. Con đường mình chọn có thể sẽ bất lợi hơn một chút, ngoằn ngoèo hơn một chút, thậm chí còn bị người đứng ở khúc cua cười vào mặt là ‘ngu quá’ hay ‘vẽ chuyện’ (mình bị nói thẳng vào mặt như vậy rồi đó hihi); nhưng chả sao, miễn là mình luôn sống trung thực với chính bản thân mình – thế là đủ.

Đừng chỉ làm điều đúng khi có ai đó đang nhìn, mà hãy làm điều đúng kể cả khi không có ai thấy.

Singapore – Thứ 7, 12/09/2020.

Bông.

One thought on “Integrity is doing the right thing even when no one is watching

  1. Bài viết rất chất lượng và chân thực. Đọc xong càng thấy quý bạn Nhi hơn hihi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *